Ngoài tập trung triển khai 30 nội dung trong khung kế hoạch, các sở ngành cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bước đầu rất khả quan.
Hiện tổng diện tích dừa toàn tỉnh là 63.439 ha, tăng 5,82% so mục tiêu; năng suất đạt 9.220 trái/ha; sản lượng 6 tháng đầu năm đạt 240,85 triệu trái, tăng 6,1% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm 6 tháng qua đạt 540 tỷ đồng, tăng 13,68% so cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm chế biến dừa chủ yếu đều tăng: Cơm dừa nạo sấy sản xuất được 17.000 tấn, tăng 3,53%; sữa dừa 16.350 tấn, tăng 12,67%; chỉ xơ dừa 42.550 tấn, tăng 14,57%; than thiêu kết 17.430 tấn, tăng 35,32%; than hoạt tính 4.700 tấn, tăng 38%. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dừa đạt 86 triệu USD, tăng 38%. Các sản phẩm dừa khác xuất khẩu có sự tăng trưởng khá hơn như cơm dừa nạo sấy tăng 50%, chỉ xơ dừa tăng 39%, than hoạt tính tăng 28%.
Kết quả thực hiện các dự án trong chương trình
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là Dự án cải tạo vườn dừa kém hiệu quả đã xây dựng mô hình vườn dừa mẫu tại 6 huyện với diện tích 55 ha, 78 hộ tham gia với tổng kinh phí 438 triệu đồng. Năm 2014 sẽ cải tạo 276 ha dừa, thay thế giống 22 ha, tiếp tục đầu tư 55 mô hình vườn dừa mẫu. Tổng vốn đầu tư 1 tỷ đồng.
Dự án Thiết lập vườn dừa giống và bình tuyển dừa mẹ đã triển khai vận động nông dân đầu tư trồng mới 28 ha đạt chuẩn vườn dừa giống, bình tuyển 3.600 cây dừa mẹ.
Dự án phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa đã triển khai xong mô hình tại Lương Phú, Thuận Điền (Giồng Trôm), Phước Hiệp, Định Thủy (Mỏ Cày Nam) với 150 hộ tham gia, diện tích 20 ha, kinh phí 641 triệu. Trong số 150 hộ tham gia có 50% hộ nuôi đạt, 50% hộ nuôi không đạt, chủ yếu là do thiếu chăm sóc, thiếu đầu tư, tỷ lệ hao hụt cao.
Dự án trồng xen ca cao trong vườn dừa phục vụ xuất khẩu trong năm 2013 hỗ trợ 300 triệu đồng, trồng 200 ha. Hiện diện tích ca cao còn chỉ 5.211 ha, trong đó diện tích thu hoạch 3.463 ha, sản lượng 20.631 tấn. Năm 2014 phát triển thêm 450 ha ở các hộ có điều kiện trồng tốt.
Dự án ca cao chứng nhận đến nay đã có 76 câu lạc bộ với 1.419 hộ tham gia, tăng 39% với diện tích 811 ha, tăng 34%. Trong đó, có 3 câu lạc bộ ca cao chứng nhận. Dự án nuôi ong ký sinh trừ bọ cánh cứng hại dừa năm 2014 đã phóng thích 16.417 mummy của 2 loại ong ký sinh ấu trùng và nhộng nên diện tích bị hại đã giảm.
Các dự án lĩnh vực công nghiệp thì có 5 dự án kêu gọi đầu tư và 1 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công thương. Đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào sản xuất 2 dự án là Nhà máy chế biến sữa dừa đóng lon, nước dừa đóng lon, cơm dừa nạo sấy béo thấp của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới; Dự án đầu tư nhà máy sản xuất sữa dừa và cơm dừa nạo sấy béo thấp ở Công ty Thực phẩm Ngưu Dừa. Công suất sản xuất 2 nhà máy là 14.400 tấn/năm sữa dừa và nước dừa công nghiệp đóng lon; 1.440 tấn/năm cơm dừa nạo sấy béo thấp; 1.000 tấn sữa dừa/năm.
Dự án sản xuất sữa dừa, nước cốt dừa đóng lon của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu đã hoàn thành phương án giải phóng mặt bằng để đầu tư tại cụm công nghiệp Phong Nẫm với diện tích 10 ha. Dự án sản xuất sữa dừa của Công ty Định Phú Mỹ đang triểng khai chuẩn bị đưa vào sản xuất. 4 dự án kêu gọi đầu tư đến nay đã có 2 dự án đang triển khai, 2 dự án đang kêu gọi đầu tư.
Dự án sản xuất dầu dừa tinh luyện của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã đầu tư nhà máy công suất thiết kế 6.000 tấn/năm đã được đầu tư đạt 80%. Công ty này cũng đã có hợp đồng ghi nhớ với Bộ Khoa học và Công nghệ để chuyển giao công nghệ sản xuất dầu dừa tinh khiết với quy mô công suất 1.000 tấn/năm. Dự án xây dựng nhà máy chế biến mụn dừa xuất khẩu và Dự án sản xuất nệm xơ dừa đang tiếp tục kêu gọi đầu tư.
Tỉnh đang tập trung triển khai chương trình khuyến công hỗ trợ nâng cao năng lực chế biến dừa, đã hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện 24 dự án đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến đổi mới công nghệ và các mô hình trình diễn kỹ thuật, tiết kiệm nhiên liệu, áp dụng sản xuất sạch hơn với tổng kinh phí 2,170 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp đã đầu tư đối ứng trên 26 tỷ đồng đầu tư phát triển ngành dừa, công nghiệp nông thôn. Hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng 2 cụm công nghiệp chế biến dừa. Đó là cụm công nghiệp Phong Nẫm giai đoạn I quy mô 10 ha, hiện đã lấp đầy diện tích. Hiện có 2 dự án đầu tư của Công ty TNHH Ươm Mầm Xanh, Công ty Chế biến chỉ xơ dừa 25/8, đã đầu tư sản xuất các sản phẩm từ dừa, đang hoạt động ổn định. Công ty cổ phần thực phẩm và đồ uống dừa Mekong đang xây dựng nhà máy sản xuất nước dừa và sữa dừa đóng hộp đang đi vào hoạt động.
Giai đoạn II, quy mô 30 ha đang chờ giải phóng mặt bằng để đầu tư nhà máy chế biến sữa dừa và nước dừa đóng hộp với tổng vốn đầu tư khoảng 174 tỷ đồng. Cụm công nghiệp An Thạnh (Mỏ Cày Nam) quy mô 35 ha đang triển khai dự án. Dự án lĩnh vực văn hóa-du lịch cũng được khởi động. Cụ thể là dự án xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa xứ dừa.
Nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực đang tiếp tục triển khai
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng tích cực hỗ trợ ngành dừa bằng chính sách hiện hành, nên đến cuối tháng 5 tổng dư nợ cho vay đối với ngành dừa đạt 422 tỷ đồng, với 4.427 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, nợ cho vay trồng, chăm sóc dừa đạt 32,7 tỷ đồng; vay thu mua, chế biến xuất khẩu các sản phẩm dừa 390 tỷ đồng, vay cá nhân, hộ gia đình, trang trại 63 tỷ đồng, doanh nghiệp 359 tỷ đồng, HTX, THT 2,45 tỷ đồng.
Trung tâm xúc tiến đầu tư đã tư vấn, giới thiệu các thông tin chuyên ngành dừa cho 14 đoàn khách tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Bến Tre; đã cấp chứng nhận đầu tư cho 2 dự án sản xuất ngành dừa; đã ưu tiên nguồn vốn để thực hiện các đề tài, dự án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp chế biến dừa.
Cụ thể như nghiên cứu xây dựng quy trình lấy mật ong hoa dừa, xây dựng phương pháp bảo quản, quy trình công nghệ sản xuất rượu vang chát, vang ngọt, nước giải khát từ mật hoa dừa để đa dạng hóa sản phẩm từ dừa; triển khai đề tài Nghiên cứu máy tách vỏ dừa công suất 1.000 trái/giờ; hỗ trợ triển khai dự án Hoàn thiện công nghệ sản xuất mặt nạ dừa, dự án Đầu tư hoàn thiện công nghệ sản xuất thạch dừa, mứt dừa.
Đặc biệt, giải pháp được quan tâm nhiều nhất là tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ, tạo nguồn nguyên liệu dừa. Sở Công thương, nông nghiệp, Hiệp hội Dừa hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ dừa tại 13 xã của các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Bình Đại, Châu Thành với 2 mô hình cơ bản, như: thành lập mô hình cho hội trồng dừa tại 7 xã Minh Đức, Tân Thanh, Tiên Thủy, Bình Hòa, Thạnh Phú Đông, Thành An với doanh nghiệp chế biến tổ chức thu mua, sơ chế cơm dừa cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến; đã thành lập được 53 chi hội trồng dừa, 5 cơ sở thu mua sơ chế, đào tạo 155 lao động sơ chế; mô hình doanh nghiệp đăng ký hợp đồng với từng hộ trồng dừa trong tổ liên kết ở các xã để thu mua dừa theo giá thị trường, đảm bảo giá sàn; đã xây dựng được 81 tổ, ký hợp đồng với 496 nông dân trồng dừa.