Dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Cao Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó Ban chuyên trách Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa tỉnh Bến Tre về xây dựng nông thôn mới trên đất cù lao Bến Tre.
* Ông có thể cho bạn đọc hình dung về vùng đất Châu Bình năm xưa?
Ông Cao Minh Đức: Xã Châu Bình thuộc huyện Giồng Trôm, nằm phía Bắc thành phố Bến Tre, cách thành phố Bến Tre gần 25 km. Trước tháng 5/2002, khi cống đập Ba Lai xây dựng tại xã Tân Xuân (Ba Tri) nối qua xã Thạnh Trị (Bình Đại) chưa vận hành để ngọt hoá vùng này, Châu Bình là vùng nước mặn với rừng chà là gai, đước, quao… mọc um tùm, bít cả đường đi. Trên nền đất nhiễm mặn kinh niên ấy, dừa tại đây có nhiều nhưng không phát triển. Trước năm 1990, ngoài trụ sở làm việc của UBND xã Châu Bình, trạm y tế xã, mấy điểm trường học, nhìn chung, cơ sở hạ tầng tại Châu Bình thiếu thốn trăm bề nhất là hệ thống giao thông nông thôn. "Nắng bụi, mưa bùn" là hình ảnh hiện rõ nhất tại xã vùng sâu bên dòng sông Ba Lai này.
* So với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới do Trung ương đề ra, đâu là những băn khoăn của Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện và xã khi bắt tay vào xây dựng xã nông thôn mới Châu Bình, một trong 25 xã điểm xây dựng nông thôn mới tại Bến Tre?
Ông Cao Minh Đức: Ba năm trước, khi bắt tay vào xây dựng xã nông thôn mới, Châu Bình chỉ đạt 7 tiêu chí trong 19 tiêu chí của Trung ương đề ra. Có một thực tế là một số chủ trương, chính sách của nhà nước về xây dựng nông thôn mới không phù hợp tại địa phương nên phải kiến nghị thay đổi, điều chỉnh. Quá trình xây dựng nông thôn mới triển khai vào thời điểm cắt giảm đầu tư công nên việc đầu tư từ ngân sách gặp nhiều khó khăn. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình cao trong xây dựng nông thôn mới, nhưng từng lúc vẫn có một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, cho đây là việc của Nhà nước phải thực hiện mà chưa thấy vai trò chủ thể của mình. Nguồn nhân lực cán bộ xã, ấp còn hạn chế nên việc vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới nhiều nơi đạt kết quả không cao.
* Không như xây dựng xã văn hoá, việc xây dựng xã nông thôn mới có nhiều tiêu chí khắt khe, vậy thì Ban Chỉ đạo đã thực hiện xây dựng xã nông thôn mới tại Châu Bình ra sao?
Ông Cao Minh Đức: Xã lập Ban công tác chỉ đạo, điều hành; Ban công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn; Ban công tác phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân mà chú trọng nhất là sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và đặc biệt là vấn đề nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân.
* Những con đường "nắng bụi, mưa bùn" tại Châu Bình bây giờ đã lùi xa về quá khứ. Tôi rất xúc động khi đến đây thấy chiều chiều có người ra đường tập thể dục, hít thở không khí trong lành. Chắc ông cũng đã cảm nhận những đổi thay này rồi?
Ông Cao Minh Đức: Đó là những thay đổi lớn tại vùng đất heo hút này. Ví như, đường đến trung tâm xã Châu Bình hiện nay có 5 tuyến đường nhựa với tổng chiều dài trên 21 km, trong đó có đường 3-2 dài nhất với 5,4 km, mặt đường rộng 3,5 mét. Đường từ trung tâm xã đến ấp, có 3 tuyến đường tổng cộng dài trên 10 km, trong đó có đường nhựa Trần Văn Cuộc, dài nhất với 5,7 km, mặt đường rộng 3 mét, đạt chuẩn theo quy định. Đường từ ấp đến xóm, liên xóm gồm 9 tuyến với tổng chiều dài trên 11 km, là đường không lầy lội vào mùa mưa, 30% cứng hóa.
Trong sản xuất cây trái nói chung cũng có nhiều thay đổi. Hơn 5 năm rồi dừa trồng tại đây phát triển tươi tốt, có trái to hơn trước nhiều. Ngoài ra, bà con Châu Bình còn trồng cây ca cao, cam quýt, chanh, bưởi da xanh, chuối già, tất cả đã góp phần nâng thu nhập cho người dân với thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, từ 18,5 triệu đồng năm 2011 đến nay gần 29 triệu đồng.
* Việc huy động nguồn lực xây dựng xã nông thôn mới Châu Bình có lớn lắm không, thưa ông?
Ông Cao Minh Đức: Để xây dựng thành công xã nông thôn mới Châu Bình, tổng kinh phí đã thực hiện là 270,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương đầu tư 44,1 tỷ đồng, tỉnh: 85,8 tỷ đồng, huyện: 9,2 tỷ đồng, xã: 1,6 tỷ đồng và vốn vay tín dụng, doanh nghiệp, mạnh thường quân và nhân dân đóng góp gần 130 tỷ đồng.
* Ông có đánh giá gì về Ban Chỉ đạo tại xã đã thực hiện thành công việc xây dựng xã nông thôn mới Châu Bình?
Ông Cao Minh Đức: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Châu Bình không tự mãn với thành tích đạt được mà tôi thấy tập thể tại đây muốn phấn đấu nhiều hơn nữa để mãi giữ vững danh hiệu Châu Bình là xã nông thôn mới.