Bao đời nay, cây dừa đã gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân Bến Tre và cây dừa đã đem lại cuộc sống người dân nơi đây được sung túc, an khang. Với ý nghĩa đó, năm 2012, Bến Tre tổ chức Festival dừa lần thứ III nhằm gặp gỡ, giao lưu đối với những người trồng dừa để học tập kinh nghiệm trong ứng dụng khoa học kỹ thuật canh tác dừa; giữa các doanh nghiệp chế biến trao đổi về thiết bị công nghệ, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, giữa các nhà xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới, tạo thời cơ và động lực để phát triển ngành dừa ổn định bền vững, từng bước cải thiện nâng cao đời sống của người trồng dừa, góp phần thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội của tỉnh. Đồng thời không ngừng quảng bá hình ảnh về quê hương và sự thân thiện, mến khách của con người Bến Tre đối với bạn bè trong và ngoài nước.

Con đường dừa là một trong những hạng mục của Lễ hội, được thiết kế có chiều dài 250 m với nhiều hoạt động thú vị và hấp dẫn, mỗi du khách sẽ cảm thấy hào hứng khi được nhìn thấy cảnh làng quê, sông nước hữu tình và cuộc sống dân giả của người dân Bến Tre trong lao động cũng như đời sống tinh thần. Sự kết hợp vẻ đẹp xưa vào đời sống sôi động hôm nay hòa lẫn thiên nhiên tươi đẹp được tái hiện trên con đường dừa tại Lễ hội dừa năm 2012. Tại đây, du khách đến thăm có thể nhìn thấy những hình ảnh thân thương như chợ quê xưa được tái hiện với dòng sông, bến nước, con đò; những cảnh vật làng quê như cổng làng và những cánh đồng lúa bạt ngàn với hương thơm ngào ngạt làm nao lòng mỗi du khách đến thăm như được trở về với chính quê hương mình. Với ý nghĩ cổng làng là biểu trưng cho sự uy nghi, nề nếp riêng của làng, chưa cần bước sâu vào làng, đứng trước cổng làng người xa lạ cũng có thể cảm nhận được phần nào cốt cách riêng có và tư chất của mỗi người dân trong làng.

Điểm nhấn khá lý thú khi du khách vừa bước vào cổng làng, hình ảnh những trái dừa thật kì diệu, qua việc trưng bày xen lẫn các loại trái cây của quê hương mà sự nổi bật nhất trái dừa được làm bằng chất liệu bằng vải với màu sắc được lựa chọn phù hợp với từng giai đoạn phát triển lớn lên của trái dừa, làm cho mỗi người khi đến đây sẽ có thêm tiềm thức về từng giai đoạn phát triển của trái dừa với sự thiết kế rất độc đáo, nét độc đáo là trái dừa to nhất có chiều cao 4m được ôm trọn bởi một con cá hoá long, đầu vươn ra phía trước; xung quanh là những trái dừa thuộc các giống dừa khác nhau, thể hiện sự phong phú đa dạng cũng như giá trị của cây dừa, góp phần thêm đặc sắc là những chiếc lồng đèn hình dừa lung linh màu sắc. Hình ảnh đó thể hiện sự khát khao vươn lên làm giàu từ cây dừa, đồng thời cũng khẳng định thành quả lao động cần cù và sáng tạo của người dân Bến Tre.

Vào sâu bên trong, du khách nhìn thấy những ngôi nhà truyền thống, mộc mạc của người dân xứ dừa. Nhà chữ đinh, nhà cói, bốn mái, cách bố trí bên trong nhà thể hiện nét văn hoá truyền thống của dân tộc là bàn thờ tổ tiên đặt ngay giữa nhà. Khi bước vào đây du khách có thể hình dung ra ngôi nhà xưa của người dân Bến Tre, du khách có thể tận mắt nhìn thấy sự thân thiện mộc mạc của người dân chân đất, áo vải thể hiện sự điêu luyện trong nghề truyền thống từ muôn đời nay của cha ông mình như làm bánh tráng, bánh kẹp, bánh dừa…; những làng nghề nổi tiếng với thương hiệu bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc. Điều nữa làm du khách thích thú là những chiếc cầu tre đã từng đi vào trong lời ru tiếng hát của bà, của mẹ và chỉ có ở những vùng sông nước (dí dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập gềnh khó đi, khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học mẹ đi trường đời…), này nay những chiếc cầu tre đã được thay thế bằng những chiếc cầu bê tông kiên cố.

Sau khi du khách rời khỏi ngôi nhà của người dân xứ dừa, thì du khách sẽ đến với làng quê được tái hiện qua vườn dừa, thể hiện thành quả lao động của người dân Bến Tre. Tại đây, các loại cây được trồng xen trong vườn dừa như ca cao, những cây dừa có hình dạng rất lạ như dừa nhiều đọt. Cây dừa nuôi đuôn mà từ đây có thể chế biến thức ăn độc đáo từ đuôn dừa như đuôn chiên bột vị ngọt của dừa và vị béo của đuôn hoà lẫn vào nhau tạo nên sự đặc sắc của món ăn mà chỉ có ở xứ dừa.
Cuối con đường dừa, nhịp sống sôi động của bà con làng quê xứ dừa còn thể hiện qua các loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian như đàn ca tài tử xứ Nam Bộ được huy động từ các vùng khác nhau; chầm nón nam bộ, đan rổ…, quý khách có thể mua quà lưu niệm được làm từ dừa với những hình ảnh thật độc đáo và lạ mắt bằng sự thể hiện tài hoa của những nghệ nhân. Điều đặc biệt du khách có thể ngồi nghỉ chân và thưởng thức nước dừa với hương vị ngọt ngào, thơm mát và hy vọng sẽ mang lại cho mỗi du khách một cảm giác thoải mái, vấn vương mãi nơi xứ dừa.

Đến thời điểm này, con đường dừa đã được khởi công xây dựng; ông Đoàn Viết Hồng- Giám đốc Sở Xây dựng Bến Tre trực tiếp chỉ đạo và theo dõi xuyên suốt trong quá trình thi công con đường dừa và xem đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần thành công cho Lễ hội. Dự kiến con đường dừa được đưa vào sử dụng chính thức trong ngày khai mạc Festival dừa năm 2012.
Festival dừa Bến Tre lần thứ III năm 2012 diễn ra trong 6 ngày từ ngày 04/4 đến ngày 09/4/2012 tại khu sao mai, Cầu Bến Tre II, Khách sạn Hàm Luông, Đại lộ Đồng Khởi, Hồ Trúc Giang, thành phố Bến Tre. Dự kiến Lễ hội sẽ khai mạc tại Hồ Trúc Giang và chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV, HTV, THBT và Đài phát thanh truyền hình các tỉnh lân cận